Cách đặt nhận định văn học vào phân tích tác phẩm “Vợ nhặt”

Cách đặt nhận định văn học vào phân tích tác phẩm “Vợ nhặt”

Cách đặt nhận định văn học vào phân tích tác phẩm “Vợ nhặt”

“Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Kim Lân viết về tình trạng bi thảm của dân tộc trước Cách mạng đó là nạn đói năm 1945. Đồng thời tác phẩm còn phản ánh chân thực số phận cùng quẫn của con người trong nạn đói và lòng người dân hướng về cách mạng.

Để bài văn cảm nhận, phân tích trở nên ấn tượng hơn thì việc đặt nhận định văn học vào bài viết là một điều vô cùng quan trọng. Để giúp các bạn không bị “bối rối” trước điều đó, hãy cùng Học Hỏi tìm hiểu các cách đặt nhận định vào phân tích tác phẩm này nhé.

  1. Phần mở bài

Ngay từ phần mở bài, chúng ta có thể đặt nhận định văn học như một cách dẫn dắt để đi vào phân tích tác phẩm. Đối với truyện ngắn “Vợ nhặt”, một số vấn đề lí luận có thể sử dụng nhận định như: mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, nhà văn, hình tượng nghệ thuật…hoặc các nhận định liên quan trực tiếp đến tác phẩm.

Ví dụ:Cái đói, miếng ăn là một vấn đề nhức nhối của dân tộc ta những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945, và khi viết về hiện thực ấy có rất nhiều ngòi bút tiêu biểu như Thạch Lam, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan trong đó không thể không thể không kể đến nhà văn Kim Lân. Có lần, ông từng tâm sự“Khi viết về nạn đói ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói, người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”.Và qua truyện ngắn “Vợ nhặt”, đặc biệt là nhân vật người vợ nhặt, tác giả đã khắc họa một cách sâu sắc, ấn tượng về niềm tin, sự sống cùng khát vọng hạnh phúc, sống cho ra “người” của con người.

  1. Phần dẫn dắt, chuyển ý giữa các đoạn văn.

Ở mỗi phần dẫn dắt, chuyển ý giữa các đoạn văn có thể đặt nhận định văn học để diễn đạt mượt mà, ấn tượng hơn.

Ví dụ:Nếu như trong buổi chiều tối hôm trước, bà cụ Tứ mang nhiều tâm trạng, cảm xúc từ ngạc nhiên, bất ngờ đến sự buồn tủi cùng nỗi lo lắng, xót thương cho các con thì đến buổi sáng hôm sau trong tâm trạng nhân vật đã mang sắc màu chủ đạo của sự phấn chấn, lạc quan cùng niềm tin vào cuộc sống. Bởi lẽ“Nội tâm nhân vật thường có nét riêng cho thấy những bí ẩn của tâm hồn, phẩm chất, lí tưởng của nhân vật. Đặc biệt là những thay đổi trong ý thức, thái độ sống và tâm lí của nhân vật qua các giai đoạn.”

  1. Phần phân tích các chi tiết, hình ảnh

Không chỉ ở những đoạn dẫn dắt, chuyển ý mới có thể đặt nhận định mà ngay cả khi phân tích tác phẩm, nhân vật thông qua chi tiết, hình ảnh thì chúng ta hoàn toàn có thể đan xen nhận định văn học như một cách thay thế cho diễn đạt của mình.

Ví dụ: Trong lần thứ hai gặp Tràng và theo Tràng về làm vợ Thị đã có sự thay đổi ngoạn mục trong suy nghĩ, hành động. Ở người vợ nhặt ấy không chỉ có khát vọng sống mãnh liệt cùng lòng tự trọng sâu sắc của một con người mà ở Thị còn hiện lên với hình ảnh một cô gái đầy tinh tế, nhạy cảm và sâu sắc. Đúng như Thạch Lam quan niệm“Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp chỉnh ở chẽ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức”.Nhà văn Kim Lân đã khám phá vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người vợ nhặt trước hết thông qua chi tiết khi Thị về đến nhà Tràng, nhìn quang cảnh ngôi nhà nghèo nàn, rúm ró, bừa bộn và cô “nén một tiếng thở dài”…

  1. Phần khẳng định, đánh giá, kết bài

Đặt nhận định vào phần khẳng định, đánh giá hay kết bài là một cách để kết thúc bài văn phân tích tác phẩm cảm xúc hơn, lắng đọng và ấn tượng hơn.

Ví dụ: Nếu như tương lai của một nhà văn chân chính được đánh giá thông qua những sáng tác mà anh ta để lại thì chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về những “đứa con tinh thần” được thai nghén bởi nhà văn Kim Lân. Người nghệ sĩ ấy đã thực hiện đúng thiên chức của một người“nâng giấc cho những kẻ cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường…để bênh vực cho những người không còn có ai để bênh vực”(Nguyễn Minh Châu). Và tác phẩm “Vợ nhặt” sẽ còn tồn tại với thời gian bởi những giá trị nhân sinh, đạo đức và bài học về lẽ sống, cách đối nhân xử thế của con người vẫn còn khắc sâu trong tâm trí mỗi độc giả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *