“Cái đẹp của thơ tạo nên ánh sáng mạnh mẽ và hữu ích nhất cho con người.”

“Cái đẹp của thơ tạo nên ánh sáng mạnh mẽ và hữu ích nhất cho con người.”

Đề bài

Nhà thơ nổi tiếng người Đức Bertolt Brecht cho rằng: “Cái đẹp của thơ không nên chỉ làm nên ánh sáng kỳ bí của ma trơi hay ánh sáng nhân tạo rực rỡ của pháo hoa, của đèn màu cầu kỳ nhuộm hàng trăm sắc. Ðẹp nhất là khi anh tạo nên được ánh sáng ban ngày, thứ ánh sáng tưởng như không màu, không sắc nhưng đó chính là ánh sáng mạnh mẽ và hữu ích nhất cho con người.”

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

(Trích đề thi học sinh giỏi văn trường THCS Hai Bà Trưng (Phúc Yên-Vĩnh Phúc) năm 2018-2019)

Bài làm

  • Mở bài

Đã bao giờ bạn tự hỏi, trái tim mình rung động vì điều gì? Đối với tôi, khi nói về sự rung động, cái đẹp chính là điều đầu tiên mà bản thân ôm mộng tương tư. Cái đẹp là tụ điểm của những tinh túy đất trời, là “mật ngọt” mà Chế Lan Viên góp nhặt và là chất men say lòng biết bao tâm hồn con người. Từ cuộc sống đi vào văn chương, bàn về vấn đề này, nhà thơ nổi tiếng người Đức Bertolt Brecht đã đưa đến quan niệm về thơ đáng suy ngẫm: “Cái đẹp của thơ không nên chỉ làm nên ánh sáng kỳ bí của ma trơi hay ánh sáng nhân tạo rực rỡ của pháo hoa, của đèn màu cầu kỳ nhuộm hàng trăm sắc. Ðẹp nhất là khi anh tạo nên được ánh sáng ban ngày, thứ ánh sáng tưởng như không màu, không sắc nhưng đó chính là ánh sáng mạnh mẽ và hữu ích nhất cho con người.”Đây cũng chính là những giá trị thẩm mĩ mà Nguyễn Duy gửi gắm trong bài thơ “Ánh trăng” – một cái đẹp gần gũi, giản dị và mang giá trị nhận thức cao.

=> Dẫn dắt vấn đề nghị luận bằng cách đi từ “cuộc sống đến văn chương”.

  • Giải thích nhận định

Cái đẹp là một phạm trù rộng lớn, tưởng chừng như trừu tượng, xa rời nhưng lại rất gần gũi và cụ thể. Bởi lẽ, mỗi người đều có những quan điểm, thị hiếu, cảm nhận mang tính chất cá nhân. Đến với văn chương, ta đến với nghệ thuật của cái đẹp mà văn hào Dostoevsky với niềm xác tín đã quan niệm: “Cái đẹp sẽ cứu rỗi nhân loại”. Xét về thơ, Bertolt Brecht cho rằng:“Cái đẹp của thơ không nên chỉ làm nên ánh sáng kỳ bí của ma trơi hay ánh sáng nhân tạo rực rỡ của pháo hoa, của đèn màu cầu kỳ nhuộm hàng trăm sắc”. “Không nên” tức là cái đẹp của thơ không nên chỉ là những gì kỳ bí, đầy màu sắc. “Ma trơi” , “pháo hoa” hay là “đèn màu” ấy đều cốt nhấn mạnh đến sự đa sắc màu như tiếng đàn muôn điệu của thơ ca hay nói cách khác là những giá trị kỳ bí, trau chuốt và có hình thức đầy lộng lẫy, mới lạ.

Tuy nhiên, thơ không dừng lại ở những gì đầy màu sắc. Thơ còn là“Ðẹp nhất là khi anh tạo nên được ánh sáng ban ngày, thứ ánh sáng tưởng như không màu, không sắc nhưng đó chính là ánh sáng mạnh mẽ và hữu ích nhất cho con người.” “Ánh sáng ban ngày” là thứ ánh sáng quen thuộc, gần gũi và cần thiết đối với mỗi con người, tức, giá trị lớn nhất của tác phẩm thơ ca chính là cái đẹp chân thực, mộc mạc, gần gũi với đời thường. Thứ ánh sáng “tưởng như không màu”, “không sắc” nhưng lại là “ánh sáng mạnh mẽ” và “hữu ích” nhất ấy là bàn về cái đẹp giản dị của thơ ca, về giá trị soi sáng tâm hồn con người, về ý nghĩa thiết thực cho nhân loại, cho đời sống.

=> Phân chia nhận định theo từng ý rồi tiến hành giải thích ngắn gọn, đúng vấn đề trọng tâm.

  • Kết luận nhận định

Nhà thơ nổi tiếng người Đức Bertolt Brecht bằng việc bàn về cái lẽ thường tình của ánh sáng để qua đó bày tỏ quan điểm của mình về những giá trị của thơ ca. Đối với ông, một trong những tiêu chí quan trọng của tác phẩm thơ hay, có giá trị và sức mạnh chính là sự chân thực, dung dị cả về nội dung lẫn hình thức. Những điều tưởng chừng như giản dị, quen thuộc nhưng lại có sức sống mạnh mẽ và bền bỉ. Đây là nhận định vô cùng đúng đắn và đầy ý nghĩa đối với hành trình góp mật cho đời của những người nghệ sĩ.

=> Kết luận ngắn gọn ý nghĩa của nhận định

  • Lý giải nhận định dựa vào quy luật cuộc sống

Thơ ca vốn là tiếng đàn muôn điệu, phong phú, đa sắc màu. Điều này cũng đã được Hoài Thanh khẳng định: “Thơ là cây đàn muôn điệu của tâm hồn, của nhịp thở con tim. Xưa nay thơ vẫn là cuộc đời, là lương tri, là tiếng gọi con người hãy quay về bản chất thực của mình để vươn lên cái chân, thiện, mỹ, tới tầm cao của khát vọng sống, tới tầm cao của giá trị sống”. Những liệu rằng giữa muôn vàn màu sắc ấy con người ta có thể lựa chọn cho bản thân một thứ ánh sáng trường tồn mãi cùng năm tháng hay không? Và cũng cần phải chiêm nghiệm rằng, giữa muôn vàn ánh sáng sặc sỡ, ánh sáng tự nhiên của mặt trời vốn quen thuộc, đơn điệu nhưng lại ẩn chứa sức mạnh lớn lao. Nếu thiếu đi ánh sáng thì cuộc sống mỗi con người ra sao? Ắt hẳn, mọi thứ sẽ trở nên khó khăn và rơi vào bế tắc. Bởi lẽ, thiếu đi ánh sáng, con người thiếu đi nguồn sinh lực dồi dào để duy trì sự sống. Đây chính là quy luật tự nhiên của cuộc sống. Từ đó, bạn đọc có thể hiểu sâu sắc hơn về những gì mà Bertolt Brecht gửi gắm qua nhận định.

=> Sử dụng nhận định lí luận văn học liên quan đến vấn đề nghị luận để chuyển đoạn.

Lý giải nhận định dựa vào LLVH

Bên cạnh quy luật của cuộc sống thì sự lí giải cho nhận định của Bertolt Brecht còn xuất phát từ bản chất phản ánh hiện thực cũng như quy luật tiếp nhận của văn chương nói chung và thơ ca nói riêng. Văn chương là người thư kí trung thành của thời đại. Trước hiện thực màu mỡ, rộng lớn thì bên cạnh những thanh âm sống động, những màu sắc sặc sỡ thì thứ mật ngọt cho đời này luôn chứa đựng những mảnh ghép hiện thực gần gũi, giản dị. Bởi lẽ, độc giả chỉ tin vào những điều chân thật, gần gũi với cuộc sống của họ. Với “Ánh trăng” của Nguyễn Duy là một sáng tác như vậy. Khi soi chiếu tâm hồn mình vào những vần thơ của thi sĩ. Con người ta đều có sự giật mình. Giật mình vì trong một khoảnh khắc nào đó của cuộc sống trái tim bạn đã lỡ xoá nhoà đi những kỉ niệm nghĩa tình. Đấy còn sự giật mình nhận thức, nhắc nhở tâm hồn mỗi con người về sự trân trọng những giá trị tốt đẹp, về những kỉ niệm quá khứ đẹp đẽ.

=> Sử dụng nhận định lí luận văn học liên quan đến vấn đề nghị luận để chuyển đoạn.

  • Trăng – một đề tài quen thuộc

Lẽ thường, con người ta ít nhiều cũng đã để tâm hồn lạc nhịp trước những thứ lộng đầy, đầy sắc màu. Liên và An trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam cũng đã vì thứ nước xanh đỏ hay là ánh đèn rực rỡ nơi Hà Nội trong quá khứ mà dẫu có khuya muộn đến đâu hai chị em vẫn kiên trì chờ đợi một thứ ánh sáng đi qua phố huyện. Nhưng không phải bất kì sự vật, hiện tượng khoác lên mình chiếc y phục sặc sỡ cũng trở nên đẹp đẽ. Có những cái đẹp đến từ sự gần gũi, thường gặp và mang tính chất truyền thống.Điều này có thể tìm thấy ở “Ánh trăng” của Nguyễn Duy. Bài thơ đã mang đến một thứ ánh sáng rất quen thuộc nhưng lại có sức sống mãnh liệt. Sự quen thuộc ấy thể hiện trước hết yếu tố đề tài. Bởi lẽ, trong kho tàng thơ ca dân tộc nói riêng và thơ ca nhân loại nói chung, trăng là một đề tài vô cùng quen thuộc. Ta bắt gặp hình ảnh trăng trong những sáng tác của thi nhân kiệt xuất đời Đường như Lý Bạch với Tĩnh dạ tứ,… hay là Đỗ Phủ với bài Nguyệt dạ… Cũng là trăng, Hồ Chí Minh – Người với trăng cũng đã trở thành tri kỉ hay là Hàn Mặc Tử với những giọt trăng máu. Đến với “Ánh trăng” của Nguyễn Duy, trăng lại một lần nữa xuất hiện trong mạch trữ tình.

=> Lưu ý về cách chuyển đoạn

  • Chủ đề quen thuộc

Bên cạnh đề tài thì yếu tố chủ đề của bài thơ cũng mang đến màu sắc quen thuộc, bắt nguồn từ truyền thống đạo lí của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thuỷ chung cùng quá khứ. Nhìn lại quá trình phát triển thơ ca của dân tộc, từ những làn điệu ca dao, tục ngữ đến những vần thơ hiện đại, dẫu rằng thơ ca đã khoác lên mình biết bao nhiêu lớp y phục nhưng những giá trị truyền thống vẫn mãi bền chặt và xuyên suốt. Xét về “Ánh trăng” của Nguyễn Duy để thể hiện nội dung chủ đề, nhà thơ chọn trăng – hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ, hồn nhiên, khoáng đạt, tươi mát, làm biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, cho vẻ đẹp bình dị, vĩnh hằng của đời sống. Cùng với đó là gợi nhắc con người có thái độ sống ân nghĩa, thủy chung. Giá trị này được thể hiện rõ qua vận động của hình ảnh trăng trong các khổ thơ của tác phẩm.

=> Lưu ý về cách chuyển đoạn

  • Chân thực, dung dị thể hiện qua các cung bậc cảm xúc giữa nhân vật trữ tình và trăng

“Ánh sáng ban ngày, không màu, không sắc” mà nhà thơ quan niệm còn xuất phát từ những cảm xúc trong lời thơ. Bởi lẽ, cảm xúc là mạch nguồn cốt lõi tạo nên tính trữ tình. Nếu không có cảm xúc thì anh chỉ làm nên những câu thơ có vần chứ không thể nào trở thành nhà thơ được. Tuy nhiên, thứ cảm xúc ấy phải được lắng đọng bởi sự chân thành của người nghệ sĩ. Chỉ có sự chân thành mới chạm đến trái tim độc giả và cũng chỉ có chân thành anh mới trở thành người nghệ sĩ chân chính. Giống như Hoài Thanh đã nhận xét: “Thơ của Nguyễn Duy đưa ta trở lại một thế giới thân quen. Nguyễn Duy hiểu sâu sắc về vẻ đẹp của con người, của cuộc sống khó khăn công việc, tuổi tác và ẩn danh. Đọc thơ của Nguyễn Duy, tôi thấy anh xúc động, nghĩ đến những điều lớn nhỏ xung quanh mình. Những gì ở người khác có thể chỉ là điều trôi qua, trong anh lắng đọng và dường như vẫn còn… ”(tạp chí văn nghệ , Ngày 14 tháng 4 năm 1972) ”.Quả thật, Nguyễn Duy – một người thư kí trung thành của trái tim đã gửi gắm những cảm xúc chân thật, dung dị, nhiều cung bậc qua đứa con tinh thần của mình.

=> Lưu ý về cách lập luận, dẫn dắt luận điểm

  • Tình cảm giữa người và trăng trong quá khứ

Trước hết, sự gần gũi, giản dị nhưng âm thầm, mãnh liệt thể hiện ở chính tình cảm giữa người và trăng trong quá khứ, Nguyễn Duy viết:

“Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỷ”

Khổ thơ là những dòng cảm xúc hoài niệm về quá khứ. Lẽ thường, quá khứ gian khổ là điều mà con người ta cố gắng lãng quên. Nhưng đối với nhà thơ, quá khứ lại trở thành những nỗi nhớ nhung khôn xiết. Cụ thể, những hình ảnh gần gũi, quen thuộc “đồng, sông, bể, rừng” được liệt kê đã đưa đến cho bạn đọc những hình dung về nơi mà tác giả từng sống. Đó còn là dòng chảy của kí ức từ tuổi thơ đến thời gian chiến tranh gian khổ. Trong quá khứ, vầng trăng đã trở thành tri kỷ. Tri kỷ là hai tiếng gọi thiêng liêng, thể hiện sự gắn bó, mật thiết, thấu hiểu giữa người với người. Nhưng với Nguyễn Duy, tri kỷ ở đây lại chính là trăng. Bởi lẽ, giữa chốn rừng núi khắc nghiệt của chiến tranh, nơi không có đèn điện sáng chói rực rỡ thì chỉ có trăng mang đến thứ ánh sáng của tự nhiên lãng mạn. Trăng tựa như người bạn tâm tình, cùng tác giả vượt qua những khó khăn, vất vả. Đoạn thơ còn mở ra không gian bao la rộng lớn của “đồng, sông, rừng và trăng”. Đó phải chăng là sự rộng lớn của nỗi nhớ, nỗi hoài niệm về quá khứ ân tình, thuỷ chung. Quả thực, tình cảm giữa người và trăng chân thành, sâu nặng và tưởng chừng như mãi gắn bó, không tác rời. Mạch thơ khiến người đọc phải xúc động bởi một quá khứ gian lao nhưng đẹp đẽ, nghĩa tình.

Tình cảm giản dị, gần gũi ấy thân mật và mặn nồng đến lạ thường:

Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa

Mạch cảm xúc hoài niệm chảy dọc bài thơ một cách tự nhiên. Bằng việc sử dụng biện pháp so sánh “hồn nhiên như cây cỏ” kết hợp với từ láy trần trụi đã gợi tả những gì gần gũi và giản dị nhất của con người. Dường như nhân vật trữ tình được trở về những gì vô tư, hồn hậu và bình dị từ chính trong tầm hồn. Có thể nói, thơ của Nguyễn Duy truyền tải đến biết bao gửi gắm của một trái tim dung dị. Những hình ảnh thơ quen thuộc, mang hơi hướng đồng quê đã trở thành phương tiện chuyên chở những dòng cảm xúc nghĩa tình của nhà thơ. “Vầng trăng” được nhắc đến với ý nghĩa biểu tượng của một quá khứ nghĩa tình. Một quá khứ mà ta cứ ngỡ rằng tất cả đã bền chặt, keo sơn trong trái tim của anh.

=> Lưu ý về cách phân tích chứng minh để làm rõ vấn đề nghị luận

  • Tình cảm người và trăng theo thời gian

Song song với những gì hồn nhiên, chân thật là tình cảm giữa người và trăng theo thời gian cũng được phản ánh sâu sắc và khiến con người ta phải ngậm ngùi:

Từ hồi về thành phố

quen ánh điện, cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường

Không còn là “đồng, bể, sông, rừng”, theo dòng chảy thời gian, những sự vật xung quanh cuộc sống của tác giả đã có sự thay đổi. Không gian quen thuộc của quá khứ đã được thay thế bởi không gian cuộc sống ở hiện đại. Tuy nhiên, những hình ảnh thơ vẫn khoác lên mình một màu sắc quen thuộc, gần gũi. Và “Vầng trăng” lại một lần nữa xuất hiện. Trăng vốn được tác giả xem như người tri kỷ, người bạn tâm tình nay lại được đặt dưới phép so sánh đầy chạnh lòng. Sự thật mật giữa trăng và người nay lại trở nên lạnh lùng và có phần đau xót. Một vầng trăng từng là người bạn, người đồng đội cùng nhau trải qua biết bao năm tháng khổ cực, nay lại trở thành nỗi “thẹn lòng” của nhân vật trữ tình. Bởi lẽ, anh đã lãng quên, trăng với người giờ đây nén lại trong hai chữ “người dưng”.

Ở đây, điều khiến ta băn khoăn, trăn trở, day dứt đó chính là cách cư xử của con người. Cuộc sống hiện đại, hào nhoáng nơi thị thành đã khiến nhân vật quên đi quá khứ, quên đi người bạn nghĩa tình năm xưa.

Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình

Vầng trăng, ánh trăng đã được nhân cách hóa như con người, có tâm hồn, có lẽ sống. Trăng khiến chúng ta xúc động và ám ảnh bởi lối sống tình nghĩa, thủy chung, nhân ái, vị tha mà cũng rất nghiêm khắc. Mặt đối mặt, người đối với trăng, hiện tại đối mặt với quá khứ, tất cả khiến cho nhân vật trữ tình phải “giật mình”. Cái giật mình của sự thức tỉnh, giật mình trước sự gợi nhắc của ánh trăng. Cái “im phăng phắc” của ánh trăng đầy nghiêm nghị như nhắc nhở con người không được lãng quên quá khứ ân nghĩa, thuỷ chung. Từng lời thơ, từng câu chữ của trong sáng tác của Nguyễn Duy đều mang tính gần gũi và giá trị nhận thức sâu sắc. Trăng đưa người trở về với quá khứ, để gợi nhắc bài học sâu sắc, thấm thía về lẽ sống cao đẹp, ân tình, thủy chung, nghĩa tình với quá khứ. Đây chính là thứ ánh sáng không màu, không sắc nhưng lại rất mạnh mẽ và hữu ích.

Rẽ thơ để sống trong từng mạch cảm xúc của “Ánh trăng”, bạn đọc như bước vào thế giới của cái đẹp. Đẹp với sự giản dị, quen thuộc tựa như một tấm gương mà khi soi mình, con người ta có thể thấy được bóng dáng bản thân trong những vần thơ của Nguyễn Duy. Bài thơ không phải là một hình thức cầu kỳ hay là những hình ảnh đầy tính trừu tượng mà lại mang đến sự thật đời sống. Một cái đẹp trần trụi, nhưng lại khiến ta thấm thía và quay mình nhìn lại về cách sống của bản thân. Phải chăng, vì lẽ này mà “Ánh trăng” vẫn có một sức sống mãnh liệt. Biết bao thế hệ bạn đọc khi đến với tác phẩm vẫn được soi sáng, chiêm nghiệm. Và đúng như Victor Hugo quan niệm : “Yêu cái đẹp là thấy ánh sáng”.

=> Lưu ý về cách phân tích chứng minh để làm rõ vấn đề nghị luận

  • Phương diện nghệ thuật

Tôi cũng rất tâm đắc câu nói của Raxun Gamzatop:“Đối với nhà thơ thì cách viết, bút pháp của anh ta là một nửa việc làm. Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo đến đâu, nó cũng nhất thiết phải đẹp. Không chỉ đơn giản là đẹp mà còn đẹp một cách riêng. Đối với nhà thơ, tìm cho ra bút pháp của mình – nghĩa là trở thành nhà thơ.” Xét đến bài thơ “Ánh trăng”, bên cạnh “ý thức độc đáo”, các yếu tố nghệ thuật cũng khoác lên mình sự gần gũi, giản dị – một bút pháp riêng rất Nguyễn Duy. Có thể kể đến đầu tiên là thể thơ và cấu trúc “Ánh trăng” được viết theo thể ngũ ngôn rất bình dị. Thi phẩm mang dáng dấp của một câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian, theo dòng cảm nghĩ của tác giả, có sự kết hợp hài hoà, tự nhiên giữa tự sự và trữ tình. Nhà thơ kể từ quá khứ đến hiện tại xen kẽ với những cảm xúc nhớ nhung, nghĩa tình nhưng cũng đầy chiêm nghiệm. Đặc biệt, khi bàn đến thơ, song song với từ ngữ, hình ảnh thì giọng điệu cũng là một yếu tố góp phần thể hiện tư tưởng của người nghệ sĩ. Ở đây là giọng điệu sâu lắng, tựa như lời thủ thỉ đầy tâm tình, ngân nga, thiết tha cảm xúc kết hợp với ngôn ngữ tự nhiên.

=> Lưu ý về cách chuyển đoạn, tổng kết nghệ thuật

  • Đánh giá, nâng cao vấn đề

Tựu trung lại, ý kiến của Bertolt Brecht cho ta hiểu thêm về giá trị, về yếu tố tạo nên sự độc đáo và cái đẹp của thơ ca đích thực. “Ánh trăng” của Nguyễn Duy là một minh chứng tiêu biểu cho một bài thơ chứa đựng vẻ đẹp giản dị từ đề tài, chủ đề, mạch cảm xúc đến hình ảnh, câu chữ, giọng điệu. Bài thơ là bức thông điệp mà tác giả gửi đến cho những người lính vừa bước ra khỏi chiến trường, đồng thời cũng là thông điệp cho tất cả chúng ta: hãy trân trọng quá khứ, hãy sống trọn đạo nghĩa: Uống nước nhớ nguồn.

Không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về giá trị của thơ mà ý kiến của Bertolt Brecht còn mang tính đối thoại với người nghệ sĩ và người tiếp nhận. Với nhà thơ nói riêng, người nghệ sĩ nói chung muốn có chỗ đứng, muốn thể hiện và khẳng định được mình phải ghi bút những tác phẩm có giá trị, tạo nên được ánh sáng ban ngày, thứ ánh sáng tưởng như không màu, không sắc nhưng đó chính là ánh sáng mạnh mẽ và hữu ích nhất cho con người. Cùng với đó, người đọc phải rẽ văn để cảm nhận được vẻ đẹp chân thực, mộc mạc, giản dị của tác phẩm văn chương và để thấy hết được giá trị đích thực của một tác phẩm văn học chân chính. Tuy nhiên, chân thực, dung dị phải mang tính thẩm mĩ và hướng con người ta đến giá trị tốt đẹp. Ấy không phải là sự đơn điệu, thô sơ, vụn vặt, nhàm chán để lại không nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc. Cái đẹp của ánh sáng ban ngày phải là cái đẹp của sự độc đáo, cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật.

=> Lưu ý mở rộng, nâng cao vấn đề từ góc nhìn tác giả và người tiếp nhận.

  • Kết bài

Thơ ca quả là làm cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất tử. Bước đến thế giới thơ ca, ta như lạc vào xứ sở của những cái đẹp. Đẹp bởi không chỉ là những ánh sáng rực rỡ, đầy sắc màu mà đẹp ngay cả những ánh sáng không màu, không sắc, dụng dị, chân thực nhất. Phải chăng lẽ này, người ta mới gọi thơ là rượu cuộc đời, mới say mê thơ đến như vậy. Và phải chăng, đây cũng là nguội cội để những cảm xúc gần gũi, trữ tình trong sáng tác “Ánh trăng” của Nguyễn Duy vẫn mặn mà, vẫn phơi phới sức xuân trong lòng bạn đọc.

=> Kết bài không được sơ sài mà cần khái quát lại vấn đề nghị luận

| Nội dung: Nuôi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *